Cách Giới Thiệu Bản Thân Trong Buổi Phỏng Vấn Gây Ấn Tượng
Trong bất kỳ buổi phỏng vấn xin việc nào thì câu đầu tiên bạn sẽ được nghe từ nhà tuyển dụng đó là “Bạn có thể giới thiệu đôi nét về bản thân”. Đối với một câu hỏi khá đơn giản nhưng để có được câu trả lời hay, thu hút người đối diện thì không phải là điều dễ dàng. Do đó chúng ta cần có sự chuẩn bị ngay từ khi nhận được thông báo phỏng vấn, và bài viết hôm nay sẽ giúp bạn cách giới thiệu bản thân trong buổi phỏng vấn thật ấn tượng.
- Giới thiệu bản thân nên gồm những thông tin gì?
Tất nhiên để nhà tuyển dụng biết bạn là ai thì bạn phải giới thiệu những thông tin cơ bản của mình như tên tuổi, chuyên ngành, quê quán,… Nhưng để có được một bài giới thiệu bản thân hay thì bạn đừng quên nói về khả năng hay tiềm năng của bạn đối với công việc bằng cách làm nổi bật những kinh nghiệm, kỹ năng và thành tích của bạn liên quan đến vị trí ứng tuyển. Nếu bạn chưa có kinh nghiệm và là sinh viên mới tốt nghiệp thì hãy cho nhà tuyển dụng thấy những thành tích bạn đạt được trong thời gian đi học, những hoạt động ngoại khóa, tình nguyện hay những khóa học bạn đã tham gia mà liên quan đến công việc.
Ngoài ra, bạn cũng phải thể hiện được sự nhiệt huyết của mình, thái độ thực sự nghiêm túc và hào hứng đối với công việc sắp tới vì không một nhà tuyển dụng nào muốn thuê một nhân viên hời hợt và không nhiệt tình khi làm việc.
- Cách giới thiệu bản thân với nhà tuyển dụng
Việc đầu tiên là bạn hãy giữ cho mình thái độ thoải mái và tự tin nhất khi gặp người phỏng vấn, hãy mỉm cười và gửi lời chào cho lần đầu tiên gặp mặt. Đôi lúc, họ sẽ muốn có vài câu xã giao trước để bạn lấy tinh thần chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn, lúc này đừng ngần ngại và tiếp chuyện với họ bằng thái độ lịch sự, tôn trọng đồng thời bạn có thể qua đó thể hiện phần nào cá tính của mình nhằm gây ấn tượng ban đầu với người tuyển dụng.
Khi cuộc phỏng vấn bắt đầu và nhà tuyển dụng yêu cầu bạn tự giới thiệu về mình, đừng ngần ngại hay tỏ ra rụt rè, bạn có thể ngừng lại vài giây để định hình lại câu trả lời của mình và sau đó hãy giới thiệu bản thân ngay. Cố gắng trình bày một cách trôi chảy và tránh khựng lại vì như thế khiến người đối diện nghĩ rằng bạn chưa hiểu rõ thế mạnh của mình hoặc bạn không thực sự có những ưu điểm như đã nêu.
Hãy bám sát vào bài giới thiệu mà bạn đã chuẩn bị một cách cẩn thận từ trước, tránh nói lan man không đúng trọng tâm. Chỉ cần bạn đủ bình tĩnh, trình bày rõ ràng phần giới thiệu như kế hoạch đặt ra thì bạn đã thành công bước đầu, đừng lo lắng phần giới thiệu thiếu ý vì nếu người phỏng vấn muốn biết thêm khía cạnh nào đó về bạn, họ sẽ hỏi. Ngược lại vì một vài yếu tố nào đó mà lời giới thiệu của bạn không được trơn tru như mong muốn thì bạn cũng phải giữ thái độ lạc quan vì đây chỉ mới là câu hỏi mở đầu, thế nên hãy tập trung để hoàn thành tốt những phần sau.
- Một số điều cần tránh khi giới thiệu bản thân
Tránh việc kể lể hay là đi sâu vào những chi tiết không cần thiết. Mặc dù hỏi về bản thân bạn nhưng không yêu cầu bạn phải nói về cuộc sống cá nhân, do đó tránh trả lời vào những điều có tính chất quá riêng tư.
Đừng lặp lại CV, tránh việc liệt kê quá chi tiết, dài dòng mà hãy nêu ra một vài điểm ấn tượng, thu hút nhất trong số những công việc bạn từng trải nghiệm nhằm thúc đẩy nhà tuyển dụng muốn tìm hiểu về bạn nhiều hơn.
Nên hướng câu trả lời vào vai trò công việc và công ty. Thông qua việc giới thiệu bản thân nhà tuyển dụng muốn biết được điều gì khiến bạn mong muốn được làm việc ở vị trí này và bạn có gì đặc biệt, nổi bật để mà phù hợp với công việc đăng tuyển. Do đó, hãy tập trung vào bốn vấn đề sau: Bạn có những kiến thức và kỹ năng gì cho công việc? Tại sao bạn muốn làm công việc này? Khả năng của bạn cho công việc này ra sao? Điều gì khiến bạn lựa chọn công ty để phỏng vấn?
Bài viết trên đã cho bạn một số lời khuyên về cách giới thiệu bản thân trong buổi phỏng vấn mà tạo được dấu ấn và khả năng được chọn cao. Công việc còn lại của bạn là làm theo sự hướng dẫn, lưu ý những điều cần tránh thì chắc chắn bạn sẽ có phần giới thiệu bản thân vô cùng hay và phù hợp với tiêu chí của nhà tuyển dụng.